TỔNG KẾT HỘI THẢO KHOA HỌC “XU HƯỚNG QUAY VỀ YẾU TỐ GỐC TRONG NGHỆ THUẬT CHUYỂN ĐỘNG ĐƯƠNG ĐẠI”

Ths, NGUT Trịnh Quốc Minh
Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng Ban Lý luận Phê bình Hội NSMVN

         Kính thưa hội thảo

Mỗi trường phái nghệ thuật cổ điển, hiện đại hay đương đại đều có quan điểm riêng về cái đẹp, nó quyết định đến việc lựa chọn đề tài, phương pháp, cách thức vận dụng ngôn ngữ, chất liệu để biểu đạt hình tượng nghệ thuật và nội dung tác phẩm. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay khi quá trình giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng thì vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, bên cạnh đó nghệ thuật đương đại với những đặc điểm và phẩm chất riêng biệt của nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn học nghệ thuật nói chung và trong sáng tác múa nói riêng.

Xuất phát từ quan điểm tiếp thu có chọn lọc tinh hoa múa nước ngoài, biến những yếu tố ngoại sinh trở thành những yếu tố nội sinh nhằm không ngừng bồi đắp và làm giàu cho nghệ thuật múa Việt Nam vì sự nghiệp xây dựng và phát triển một nền nghệ thuật múa Việt Nam dân tộc, hiện đại, xứng đáng là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, ngày 15 tháng 10 năm 2024 tại thành phố Kon Tum, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “ Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại”. Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của “ Tuần lễ múa Việt Nam 2024” tại thành phố Kon Tum.

Tới dự hội thảo là các nhà nghiên cứu lý luận, biên đạo múa, nhà giáo đã và đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, cơ sở đào tạo nghệ thuật múa trên cả nước cùng các quí vị đại biểu, phóng viên báo chí, truyền thông của tỉnh Kon Tum.

Trước thềm hội thảo Ban Tổ chức đã nhận được 27 bản tham luận của các thành viên tham dự. Nội dung cơ bản của các bản tham luận đều tập trung làm sâu sắc các vấn đề: Bản sắc văn hóa và tính đa dạng trong nghệ thuật múa. Yếu tố dân tộc và hiện đại chuyển động giao thoa trong tác phẩm múa Việt Nam hôm nay. Ngôn ngữ múa đương đại và bản sắc dân tộc trong sáng tác hiện nay. Bản sắc văn hóa dân tộc và tính Riêng trong sáng tạo múa. Yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại. Hành trình và đặc điểm phát triển múa đương đại ở Việt Nam. Giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền trong sáng tạo múa dân gian dân tộc. Múa bản địa – Xúc tiến trao đổi văn hóa. Nghệ thuật múa góp phần trực tiếp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tác phẩm múa và thông điệp tới cuộc sống, Mối quan hệ giữa văn học và nghệ thuật múa đương đại… cùng nhiều bài viết theo chủ đề mà chúng ta quan tâm.

Hội thảo đã lắng nghe 04 bản tham luận với các nhan đề:

– Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại của NSND Lê Ngọc Cường.

– Yếu tố dân tộc và hiện đại chuyển động giao thoa trong tác phẩm múa Việt Nam hôm nay của TS, NSND Phạm Anh Phương.

– Yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại của Đại tá, TS, NSND Nguyễn Thị Thu Hà.

– Ngôn ngữ múa đương đại và bản sắc dân tộc trong sáng tác hiện nay của Ths Hà Thái Sơn.

Các bản tham luận cùng các ý kiến tham gia thảo luận trực tiếp tại hội trường và thực hiện trực tuyến cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Đức một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò nền tảng, ý nghĩa và giá trị trường tồn của yếu tố gốc trong sáng tạo nghệ thuật. Đó chính là văn hóa cội nguồn, là bản sắc văn hóa dân tộc. Chính bản sắc văn hóa dân tộc giúp chúng ta nhận diện được những nét độc đáo, sự khác biệt giữa văn hóa truyền thống của khu vực này với những khu vực khác, của dân tộc này với dân tộc khác trong giao lưu và tiếp biến văn hóa. Quay về yếu tố gốc không chỉ là định hướng trong sáng tạo nghệ thuật mà còn là thước đo tính dân tộc trong tác phẩm nghệ thuật.

Hội thảo đồng thời làm sáng tỏ một số vấn đề mang tính lý luận, từ khái niệm, đặc điểm, cách thức tiếp nhận, khả năng ứng dụng, tính hữu dụng của nghệ thuật đương đại trong xây dựng tác phẩm múa dân tộc hiện đại. Hội thảo nhất trí đánh giá nghệ thuật đương đại đang là xu hướng chung mang tính qui luật trong một thế giới hội nhập và phát triển. Nghệ thuật đương đại với những đặc điểm và phẩm chất riêng biệt nó tích hợp trong mình những yếu tố liên ngành, đa diện, đa phương pháp, đa ngôn ngữ, nó tạo nên một không gian rộng lớn cho những ý tưởng, phong cách sáng tạo, có khả năng tương tác, đồng hành, biểu hiện sâu sắc nội dung, thông điệp của tác phẩm. Những yếu tố trên đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn học nghệ thuật đương đại nói chung và trong sáng tác múa nói riêng.

Kính thưa hội thảo

Hội thảo “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại” hôm nay đã đáp ứng được những vấn đề mà chúng ta đang quan tâm. Kết quả của hội thảo sẽ được Ban tổ chức đăng tải trên trang thông tin điện tử của hội để các thế hệ hội viên nắm bắt kịp thời và cùng nhau thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII : “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại, từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”.

Ban tổ chức xin được khép lại hội thảo khoa học với chủ đề: “ Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại” tại đây. Kính chúc các quí vị đại biểu cùng toàn thể các thành viên tham gia hội thảo sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có nhiều thành công mới trong sáng tạo nghệ thuật.

Xin trân trọng cám ơn.

 

TS.NSND Phạm Anh Phương phát biểu tại Hội thảo

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

NSND Nguyễn Công Nhạc

 

NSND Lê Ngọc Cường

 

Ths Nguyễn Thị Tuyết Minh phát biểu tại Hội thảo

 

NGND Phạm Minh Phương
NSND Nguyễn Vũ Hoài
Ông Lê Hữu Trúc – đại diện Vụ Văn hóa Văn nghê – Ban Tuyên giáo TW phát biểu tại Hội thảo
ông Arnd Wesemann – nhà sáng lập tạp chí quốc gia tại Đức “Tanz.dance” trao đổi trực tuyến tại Hội thảo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *