Khai thác yếu tố dân tộc cần đi vào chiều sâu văn hóa

VHO – Thời gian qua, nhiều biên đạo múa Việt có xu hướng tìm về với cội nguồn văn hóa dân gian bằng những bước đi tươi mới của một thời đại hội nhập đa văn hóa. Tuy nhiên, hành trình này thực sự không dễ dàng, khi trong quá trình thử nghiệm đã xuất hiện không ít sản phẩm “sống sượng”, thậm chí phản cảm khi hòa trộn giữa yếu tố dân tộc và đương đại…

 Lan tỏa truyền thống theo cách mới mẻ, cuốn hút

Nhiều năm trở lại đây, đặc biệt trong các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, cuộc thi sáng tác múa dân tộc hay trong các chương trình sự kiện lớn quốc gia, nhà tổ chức luôn đề cao tính văn hóa dân tộc trong tác phẩm nghệ thuật biểu diễn.

Tại Hội thảo Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức vừa qua, đại tá, TS.NSND Nguyễn Thị Thu Hà nhận định: “Múa là một trong những hình thức biểu đạt nghệ thuật lâu đời nhất của nhân loại, không chỉ là sự kết hợp giữa chuyển động cơ thể và âm nhạc, mà còn là phương tiện mạnh mẽ để truyền tải bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Mỗi điệu múa, mỗi phong cách đều mang trong mình những câu chuyện, những giá trị văn hóa đặc trưng, phản ánh lịch sử, phong tục, tập quán và tâm hồn của cộng đồng mà nó đại diện. Trong thời đại toàn cầu hóa, khi các nền văn hóa giao thoa và hòa quyện với nhau, nhiều biên đạo cảm thấy cần thiết phải tìm kiếm bản sắc riêng của mình. Không ít nghệ sĩ đã thành công trong việc kết hợp kỹ thuật múa truyền thống với yếu tố hiện đại, tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho khán giả”.

Trong khi đó, ThS Hoàng Thùy Linh (Học viện Múa Việt Nam) lại cho rằng: Việc khai thác triệt để chất liệu múa nguyên bản, tìm về gốc rễ của văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng thêm việc nắm bắt xu thế phát triển của thời đại bùng nổ công nghệ số đã được các biên đạo ứng dụng để phục vụ cho việc sáng tác của mình một cách tối đa và hiệu quả, tạo ra một xu hướng sáng tác mới.

“Không dừng ở việc tiếp cận, khai thác ngôn ngữ múa nguyên bản, các biên đạo còn sáng tạo và phát triển cấu trúc – luật động tác múa mới, khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ diễn viên trẻ tiếp tục phát triển ngôn ngữ múa dân tộc. Về âm nhạc, các biên đạo không ngừng hợp tác với các nhạc sĩ để tìm về giai điệu, âm thanh nguyên gốc đặc trưng của từng dân tộc, từ đó đưa ra những ý tưởng kết hợp các loại nhạc cụ hiện đại để cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc dành cho múa phù hợp với khán giả đương đại. Bên cạnh đó, việc ứng dụng và đưa những vật dụng quen thuộc như thúng, mẹt, khăn, nón, quạt, trống… vào tác phẩm múa khiến chúng có vai trò lớn lao, nhằm tăng thêm giá trị cho tác phẩm múa dân tộc, đồng thời lan tỏa văn hóa truyền thống một cách mới mẻ và cuốn hút”, theo ThS Hoàng Thùy Linh.

Viết tiếp câu chuyện sáng tác múa dân tộc mang hơi thở thời đại, việc ứng dụng công nghệ số trong thiết kế sân khấu, thiết kế trang phục, ánh sáng cũng được các nghệ sĩ khai thác dựa trên chất liệu dân gian, thông qua hình ảnh cụ thể, họa tiết truyền thống trên màn hình led hay cảnh trí sân khấu…

Đi vào chiều sâu văn hóa để tạo độ “ngọt”

Múa dân gian dân tộc đã được quan tâm và xuất hiện nhiều hơn trên sân khấu, tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, các nghệ sĩ cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề bản sắc văn hóa trong quá trình tiếp nhận và biến đổi.

 Ta không thể gò hiện tại theo khuôn mẫu của quá khứ, nhưng cũng không thể để tinh túy dân tộc phôi phai theo tháng năm. Bởi lẽ, văn hóa vùng miền là cội nguồn của văn hóa dân tộc, mà văn hóa còn thì dân tộc còn! Vậy nên, trước hết, chúng ta vẫn cần ủng hộ khuynh hướng sáng tác của đội ngũ biên đạo trẻ. Chính những nét đổi mới, theo kịp thời đại và bám sát thị hiếu này đã giúp nghệ thuật múa đến gần hơn với thế hệ khán giả tiếp theo, bao gồm cả lớp trẻ Việt Nam và bạn bè quốc tế…

(NGƯT ĐỖ THỊ THU HẰNG – Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam)

Quan sát các cuộc liên hoan, hội diễn, sự kiện…, NSƯT Đặng Công Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Gia Lai nhìn nhận: Chỉ vài ba tiết mục múa mang đúng đặc trưng dân tộc và đâu đó cứ bị pha lẫn một cách khó nhận diện; đâu đó có những lạc nhịp như âm nhạc mang âm hưởng của dân tộc này nhưng sử dụng chất liệu ngôn ngữ múa dân tộc khác và người xem mặc định đấy là múa Tây Nguyên. Thậm chí, đâu đó ngôn ngữ múa, kể cả âm nhạc, lai căng hòa trộn sắc thái thổ dân châu Mỹ cũng được ví von là múa Tây Nguyên. Chưa kể nhiều biên đạo còn tùy tiện sử dụng trang phục một cách cẩu thả, thiếu hiểu biết…

Cùng chung nhận định, ông Bùi Tuấn Anh, Học viện Múa Việt Nam cho rằng: Các tiết mục của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc – nhìn vào khán giả biết ngay đó là múa đương đại của nước nào. Trong khi đó, múa đương đại Việt Nam chưa có ngôn ngữ chung, khái niệm chung, đang có tình trạng mạnh ai nấy làm. Nhiều tác phẩm xem xong thấy hoàn toàn xa lạ với văn hóa Việt.

Khẳng định nghệ thuật múa cần đi vào chiều sâu văn hóa để khai thác yếu tố dân tộc, TS.NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhận định: “Thời gian qua đã xuất hiện không ít tiết mục gây cảm giác “sống sượng” bởi sự kết hợp thiếu tinh tế giữa các dòng ngôn ngữ múa cùng các giá trị thẩm mỹ khác nhau đã tác động tới hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm; chưa tạo thành độ “ngọt” bởi thiếu sự nghiên cứu chuyên sâu và sự tinh tế cần thiết, nên nhiều tác phẩm không khơi gợi được hứng thú cho người xem, thậm chí bị cho là phản cảm”.

Yếu tố dân tộc và hiện đại chính là hiện thân của giá trị bản sắc văn hóa và tính thời đại. Theo TS.NSND Phạm Anh Phương, trong không gian hội nhập và phát triển của thế giới ngày nay, sự chuyển động và giao thoa giữa hai yếu tố này luôn đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của sáng tạo nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng. Thông qua giá trị của yếu tố dân tộc để thể hiện bản sắc văn hóa và khẳng định cái riêng – hộ chiếu xuất xứ của tác phẩm; thông qua giá trị của yếu tố hiện đại để thể hiện tính mới – tính thời đại, như vậy, sự tích hợp giá trị của yếu tố dân tộc và yếu tố hiện đại cùng hội tụ trong tác phẩm múa dân tộc Việt Nam để hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật của nhân loại hôm nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *